Nguyên tắc 1: Chủ - Chen - Chùng
Hôm rồi tình cờ đọc trên
mạng và được biết một số ‘chị em’ đã đặt tên cho những cái chậu phối cây
trồng là ‘Chủ - Chen – Chùng’ – rất thông minh ! Và xét về khía cạnh
ngôn ngữ học thì việc đặt tên như vậy là rất tốt: đúng thực tế, bình dân
và dễ nhớ!
Vậy, Chủ - Chen – Chùng là gì ?
Đó là nguyên tắc phối cây cơ bản khi triển khai trồng nhiều loài cây
trang trí trong 1 chậu. Trong một chậu phối, mỗi loại cây, mỗi vị trí
cần được cân nhắc lựa chọn cân đối với tổng thể chung: sao cho khi ra
đời nó tạo được ấn tượng tốt về thị giác.
Về mặt sinh học: không bàn nữa: nguyên tắc cơ bản nhất vẫn là các loài
cây trong 1 chậu phải có những yêu cầu chăm sóc gần như nhau. Bởi nếu
quá khác biệt về các nhu cầu sinh học: tất cả sẽ không thể sống cùng
nhau thật tốt trong 1 ngôi nhà chung – trường hợp này là cái chậu chung.
Một chậu cây phối thông thường sẽ cần 3 yếu tố cây cơ bản:
Cây Chủ: đây là điểm nhấn của chậu. Vì
đóng vai trò điểm nhấn: nó phải có sự đặc biệt. Điểm đặc biệt có thể là
chiều cao, hình dáng hay màu sắc đặc biệt của lá, đường nét của cành
nhánh, hoặc có những chum hoa mà khi nở tạo ấn tượng thị giác đặc biệt
cho tổng thể của toàn chậu hoa.
Ví dụ: ở cái chậu này: Chủ là loại cây lá đỏ - quanh năm đỏ tươi như
vậy, và nó được tính toán sẽ cho phát triển cao hơn, vượt hơn các cây
còn lại – để giữ vai trò điểm nhấn thị giác của chậu cây.
Cây Chen: khác với cây Chủ, cây Chen là
yếu tố ‘phụ trợ’ cho vật chủ. Nó đóng vai trò quan trọng với tác dụng
che đậy, lấp khuất đi những chỗ, những phần không gian chậu bị bỏ trống,
nó giúp che phần gốc cây chủ mà những chỗ này nếu để lộ ra: sẽ khiến
chậu cây mất đi sự hấp dẫn, mất đi cảm giác về sự xanh tốt tràn đầy sức
sống hoặc hiện ra những phần nền đất đen trông xấu xí. Nó ‘chen’ vào cây
chủ và chịu trách nhiệm làm phông nền để tôn vinh cây chủ - một trách
nhiệm nặng nề và cao thượng.
Vì vậy, việc chọn cây Chen không thể qua loa và đơn giản: nó thường có
đường nét, màu sắc đơn giản, thanh mảnh nhưng rậm rạp. Có thể có hoa
nhưng khi nở hoa không đươc lấn át cây chủ. Tùy ý tưởng thể hiện mà cây
chen có thể có cùng tông màu với cây chủ, mà cũng có thể hoàn toàn trái
ngược về tông màu với cây chủ.
Trong trường hợp ví dụ trên: cây chen là một bụi hoa chùm cũng màu đỏ -
thực tế nó rất rực rỡ nhưng nó thấp, được tỉa cắt thành bụi để che đi
phần gốc của cây chủ sau này sẽ mọc vươn cao – dự kiến sẽ gấp rưỡi chiều
cao của cây chen. Khi nở hoa đỏ: nó cũng không lấn át được cây chủ. Còn
khi không có hoa: nó chỉ có lá xanh và càng làm cây chủ màu đỏ thêm nổi
bật.
Cây Chùng: hiểu theo đúng nghĩa: là
chùng xuống. Cây chùng là những loại cây có khả năng mọc bò, mọc thả từ
trên cao xuống. Để làm đẹp cho phần thân chậu cây, cũng như khiến cho
tổng thể chậu trông mềm mại: phần gốc của chậu phối thường được trồng
thêm một hoặc vài ba loại cây chùng: chúng mọc bò tràn che nốt phần mặt
đất của chậu cây, và sau đó tiếp tục phát triển vươn dài, bò tràn khỏi
miệng chậu và tạo thành những dây, những dải chùng dài xuống.
Trong ví dụ này: đó là Mười giờ cam – một loại cây có khả năng bò lan và
bò thả chùng rất tốt. Hoa được chọn có màu Cam để làm giảm đi phần nào
‘biên độ nhiệt’ của tổng thể chậu: Chủ - Chen đều đỏ tươi. Cây thứ hai
là một loại cây bò lá đỏ nhưng không thắm và có phần đốm xanh không nổi
bật. Nó cũng có khả năng bò tràn không dài bằng mười giờ, nhưng lại có
hiệu ứng bò thành mảng lớn ken đặc – sẽ góp phần làm thành chậu cây thêm
hấp dẫn.
Thấy rõ cả 2 chủng loại cây chùng đều có lá nhỏ hẹp – để dù mọc tốt và
tạo mảng chùng lớn ở các thành chậu: chúng cũng không thể hút được mắt
nhìn khỏi điểm nhấn cây Chủ của chậu cây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét